Fundraising Products – Sản phẩm bán gây quỹ – Chương trình: “Ngày Vui Cho Em, Tháng Tư Mùa Hạ”

Fundraising Products – Sản phẩm bán gây quỹ – Chương trình: “Ngày Vui Cho Em, Tháng Tư Mùa Hạ”

THƯ NGỎ

Kính thưa Quý vị,         

          Nhằm thể hiện tinh thần “Lá lành đùm lá rách”, tháng 5 năm 2018, Nhóm Từ Thiện Bình Minh sẽ tổ chức chương trình thiện nguyện với chủ đề: “Ngày Vui Cho Em, Tháng Tư Mùa Hạ” đến với các trẻ em mồ côi, các trẻ em lang thang cơ nhỡ, các trẻ sơ sinh bị bỏ rơi đang sống dưới Mái Ấm Chùa Phật Bửu, xã Ninh Thọ, thị Xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Chương trình với mục đích khích lệ, sẽ chia về mặt tinh thần, và góp một phần tài chánh nho nhỏ giúp nhà chùa trang trải lo cho những mảnh đời bất hạnh tại nơi đây.

          Để tạo nguồn kinh phí cho chương trình, nhóm sẽ tổ chức bán hàng gây quỹ, với hình thức bán sản phẩm: “Ấm Trà Bát Tràng”. Mỗi quí vị khi mua một ấm trà là đã ủng hộ một phần kinh phí để mang đến cho những mảnh đời bất hạnh dưới Mái Ấm Chùa Phật Bửu có thêm tình yêu thương ấm áp.         

         Đây là hoạt động thể hiện tinh thần tương thân tương ái tốt đẹp của dân tộc ta. Với thông điệp: Một ấm trà đổi muôn vàng yêu thương cho các bé”,  Nhóm Bình Minh kính mong quý vị quan tâm, ủng hộ để chương trình thiện nguyện: “Ngày Vui Cho Em, Tháng 4 Mùa Hạ” được thành công tốt đẹp.  

         Nhóm Bình Minh xin chân thành cảm ơn sự quan tâm đóng góp của tất cả Quý vị.

Plano, 26 tháng 3 năm 2018.

Nhóm Từ Thiện Bình Minh

 


Để biết thêm thông tin chi tiết, xin liên lạc:

Kathy Le @ 214 326 8270

Trinh Le @ 214 578 0532

 

Bộ sản phẩm gồm: 6 chén, 1 ấm, và 7 đĩa kê

Bộ ấm chén tử sa là một sản phẩm được ra đời từ sự khéo léo, tỉ mỉ của các nghệ nhân thông qua sự kết hợp hài hòa giữa việc tạo hình và nghệ thuật đã cho ra một sản phẩm đẹp mắt và vô cùng tinh tế. Bên trong sản phẩm được tráng một lớp men đặc trưng tạo nên vẻ đẹp truyền thống, sang trọng cho bộ bình trà. 

Thân ấm được nung ở nhiệt độ cao đến 1300 độ C tạo nên ưu điểm bền chắc, hạn chế trầy xước, bể mẻ do va chạm trong khi sử dụng, vận chuyển. Bình trà với tay cầm vừa vặn, chắc chắn, miệng bình được thiết kế vô cùng chuẩn xác, không bị rỉ nước, ngắt dòng tuyệt đối khi rót giúp thao tác được gọn gàng, không làm vấy bẩn bàn hay khăn trải.

 Sản phẩm phù hợp với mọi phong cách nội thất từ hiện đại, sang trọng đến truyền thống, trang nhã, bộ ấm chén gốm Bát Tràng này có thể dành làm một món quà tặng những người yêu quý của bạn thay cho những lời chúc tốt đẹp nhất.

Xuất xứ: Xã Bát Tràng, Huyện Gia Lâm, Hà Nội, Vietnam

Công dụng của ấm Tử Sa:

Thông thường, hương vị của trà thường có 2 thành phần chính: chất hữu cơ vốn có ở trong lá trà và các loại khoáng vi lượng. Có khá nhiều người lầm tưởng rằng sau nhiều lần dùng ấm pha trà, cao trà (chất hữu cơ) sẽ tích tụ dần vào ấm rồi sau đó sẽ gia tăng hương vị của trà pha sau này. Nhưng thực tế thì những chất này sẽ bị oxy hóa nhanh chóng và sẽ không còn tác dụng gì cho những lần pha trà sau.

Đó là điểm khác biệt giữa ấm Tử Sa và những loại ấm khác. Sự kỳ diệu trong hương vị của trà pha bằng ấm Tử Sa đến từ những thành phần khoáng vi lượng trong ấm. Vì ấm Tử Sa không được tráng men cho nên những thành phần này sẽ được ở trong chất đất và được giải phóng vào trong nước trà khi pha. Những chất này thường được lưu giữu rất lâu dài và không dễ dàng bị mất đi như những chất hữu cơ của lá trà.

Sau một thời gian đủ lâu, thì những lớp khoáng tính sẽ tụ lại và lưu giữ trong ấm, góp phần gia tăng hương vị của trà sau này. Những loại khoáng chất đó có thể là canxi, ma-giê, kẽm, sắt,… sẽ cho những hương vị tuyệt vời và rất độc đáo. Bên cạnh đó, những khoáng chất này cũng có thể đến từ lá trà và trong nước pha trà cũng sẽ góp phần làm giàu thêm hương vị của trà.

Khi mua một ấm trà tử sa mới, phải làm gì?

Khai ấm:

Ấm Tử Sa sau khi mua về không nên dùng uống ngay mà phải trải qua một bước gọi là “Khai ấm”. trước khi mang vào sử dụng.

– Rửa bằng nước nóng: Dùng một bàn chải đánh răng và kem đánh răng để chà kỹ ấm trà từ trong ra ngoài, nên nhớ là dùng nước ấm để chà rửa tốt hơn.

– Đun sôi ấm 30 phút: Lót đáy ấm và quấn vải phần nắp ấp để bảo vệ cho ấm trà khỏi bị va đập khi nước sôi, nên lưu ý là đảm bảo nước ngập hết ấm và nắp ấm.

– Sau 30 phút, tắt bếp và để nước nguội dần rồi lấy ấm ra. Sau khi lấy ấm và nắp ra, ta rửa lại ấm bằng nước ấm.

– Sau đó, tiếp tục cho ấm vào nồi đun sôi trở lại, mở nắp ấm và cho vào khoảng 3 muỗng loại trà bạn dự định pha với ấm này. Tắt bếp, đậy nắp ấm và hãm trong 30 phút, sau đó đổ hết bã trà ra và rửa sạch lại ấm bằng nước ấm. Lặp đi lặp lại một lần công việc này nữa để có thể tăng thêm hương vị trà vào bề mặt ấm trà.

– Và cuối cùng, bạn có thể sử dụng ấm trà này để pha cho mình những tách trà cực kỳ ngon rồi đấy.

Dưỡng ấm:

Sau khi ấm mới trải qua quá trình khai ấm là khi chúng ta có thể sử dụng. Quá trình sử dụng cũng chính là quá trình bảo dưỡng ấm. Trái với quá trình khai ấm, quá trình dưỡng ấm cần thời gian dài, yêu cầu sự nhẫn nại. Một chiếc ấm được dưỡng tốt nó phải nổi bật lên màu sắc tiềm ẩn bên trong, độ sáng bóng và màu của đất hội tụ bên trong.

Phương pháp dưỡng ấm rất đa dạng nhưng các nguyên tắc cơ bản đều giống nhau, dưới đây là các điểm chính:

– Trong quá trình pha trà phải luôn đảm bảo ấm sạch sẽ, đặc biệt không được để nước bẩn vào ấm Tử Sa, đảm bảo kết cấu ấm tử sa luôn thông suốt và chất lượng nước trà sau khi pha cũng được đảm bảo.

– Trong quá trình pha trà, trước tiên phải đổ tràn nước vào ấm và toàn thân ấm. Sau đó, lại tưới nước lên một lần nữa bên ngoài ấm, giai đoạn này còn được gọi là “ nhuận ấm”. Giai đoại này sẽ giúp cho ấm làm quen với nhiệt độ nước, cho độ lan tỏa nhiệt đều ra toàn ấm.

– Thường xuyên dùng vải mềm lau khô thân ấm, không được để nước trà lưu lại trong ấm. Nếu không, lâu ngày ấm sẽ có những vết ố của trà, ảnh hưởng tới màu sắc, chất lượng ấm Tử Sa và trà.

– Sau 1 khoảng thời gian pha trà, ấm Tử Sa cần phải được “nghỉ ngơi” – thường là để ấm sạch sẽ khô ráo trong 3 – 5 ngày, để toàn thân ấm tuyệt đối khô ráo.

Trong quá trình dưỡng ấm cần thường xuyên chú ý từng giọt nước đọng trên các chi tiết nhỏ của ấm, các vị trí dễ đọng nước nếu không được chú ý sẽ khiến chiếc ấm lên nước không đồng đều thậm chí tạo những vết loang trên thân ấm.


Các bước pha trà xanh ngon và đúng cách:

Chọn nước pha trà

Theo kinh nghiệm thưởng trà của các bậc cao niên, để có được một ấm trà ngon thì phải đảm các yếu tố theo tuần tự: Nhất Thủy – Nhì Trà – Tam Pha – Tứ Bình – Ngũ Quần anh. Do đó, nước pha được coi là quan trọng nhất góp phần quyết định phẩm chất của chén trà.

Nói về phẩm chất nước để pha trà ngon, giới sành trà thường truyền tụng nhau câu: “Sơn Thủy thượng, Tĩnh Thủy hạ, Giang Thủy trung” có nghĩa là nếu lấy nước suối thì lấy nước đầu nguồn, lấy nước giếng thì lấy dưới đáy, lấy nước sông thì lấy nước giữa dòng. Đặc biệt, giới thưởng trà rất yêu thích dùng nước mưa được hứng từ cây cau để lâu ngày hay nước sương đọng trên lá Sen để pha những ấm trà cực phẩm. Tuy nhiên, tại những thành phố lớn việc tìm được những nguồn nước như trên là vô cùng khó khăn. Do đó, bạn có thể dùng nước lọc tinh khiết để pha trà cũng có thể đảm bảo được phẩm chất cho ấm trà ngon.

Chọn các loại trà ngon để thưởng thức

Tùy vào sở thích và cảm nhận của mỗi người mà hình thành lên các gu thưởng trà khác nhau. Tuy nhiên, loại trà được coi là ngon khi chén trà mang lại cho người thưởng thức những cảm nhận sâu sắc về hương, sắc, vị. Tùy theo loại trà mà có cách pha chế khác nhau nên trước khi pha bạn cần tham khảo hướng dẫn sử dụng trên bao bì.

Các bước pha trà

Đun nước: Một lần nữa chắc chắn rằng nước bạn có là nước đóng chai đã được lọc, không phải nước khoáng hay nước máy. Hầu hết các loại trà đều pha trà dưới nhiệt độ sôi, trong khoảng 80°C – 98°C tuỳ loại.

Làm nóng ấm chén: Khi ấm đun nước gần đạt độ sôi, bạn rót nước vào ấm, đậy nắp lại. Khi ấm trà nóng lên, bạn rót hết nước ra chuyên trà và các ly.

Đong trà: Cho trà vào ấm, lượng trà ít nhiều tuỳ từng loại, thông thường là 1/5 đến 1/2 ấm trà.

Đánh thức trà: rót nước nóng ngập trà và đổ đi càng nhanh càng tốt..

Lưu ý: Đây không phải là nước để uống, nó có tác dụng “đánh thức” để các lá trà  bắt đầu nở ra. Nước nóng đánh thức trà không phải là nước sôi.

Hãm trà: Đổ nước nóng vào đầy ấm, đậy nắp ấm và hãm trà trong khoảng 10-40 giây tuỳ loại trà. Đây là công đoạn quan trọng nhất, hãy đảm bảo nhiệt độ nước và thời gian hãm phù hợp với loại trà.

Rót trà: sau 10-40 giây, rót hết nước từ ấm trà vào chuyên, từ chuyên mới rót ra các chén uống trà. Chuyên trà lúc này rất quan trọng, giúp bạn ngừng ngay quá trình hãm trà trong ấm bằng cách rót nhanh và rót hết nước trong ấm ra chuyên.

Bạn phải đảm bảo nước trong ấm được rót ra hết, không để nước dư trong ấm.

Mở nắp ấm sau khi rót trà ra chuyên, để trà không bị “nẫu” vì nhiệt độ cao trong ấm.

Hãm trà lần tiếp theo: Lặp lại bước 5 và bước 6 cho các lần pha tiếp theo. Lần hãm sau thường có thời gian lâu hơn so với lần pha trước.

Nếu nước trà đầu tiên quá nhạt hoặc quá đậm, hãy điều chỉnh thời gian ở lần hãm tiếp theo.

Trà ngon và pha khéo, bạn có thể lặp lại 5-8 lần hãm trà, trước khi hương vị trở nên quá nhạt.

S.T.

 

 



 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

X